Chồng khuôn mặt méo xệch, tứ chi không cử động được. Vợ thì sứt môi, hở hàm ếch, nói không rõ lời... Đó là hai người con bị di chứng da cam từ hai người cha chiến đấu cùng chiến trường.
Vợ chồng “da cam”
Câu chuyện của vợ chồng anh Ngô Xuân Bình (40 tuổi) và chị Phan Thị Yến (37 tuổi) ở xóm 2, xã Hưng Chính, TP Vinh (Nghệ An) khiến nhiều người cảm động. Điều đặc biệt ở đôi vợ chồng “da cam" này là họ có một đứa con trai thật khôi ngô, học rất giỏi. Đó là mầm sống lớn nhất để hai con người này ngày đêm hi vọng.
Tìm đến xóm 2, xã Hưng Chính hỏi đường đến nhà vợ chồng anh Bình, chị Yến "da cam" chúng tôi được bà Nguyễn Thị An (người trong xóm 2) dẫn đến tận nhà. Bà An nói: "Nhà hai vợ chồng nó ở cuối xóm 2, để tôi đưa đi và làm người "phiên dịch" cho. Hai vợ chồng nó nói không rõ, ai không nghe quen thì không nghe được".
Hoàn không những học giỏi, mà luôn luôn biết động viên, chăm sóc bố.
Bà An vào chuyện: "Ngày trước, Yến thường đạp xe từ nhà đến đây khoảng 5km để may thuê. Thấy Yến cũng có hoàn cảnh như Bình nên hai gia đình có ý “xây đắp hạnh phúc” cho nhau. Đến khi chúng nó tổ chức đám cưới cả xóm đều bất ngờ và kéo đến chung vui".
Nghe chuyện này, chị Yến cười vui khi nhớ lại: "Ngày đó, anh Bình "tán" tôi ghê lắm. Tuần nào, anh cũng nhờ bạn bè chở bằng xe đạp đến nhà tôi chơi. Rồi bỗng anh nói "có ưng anh không". Nghe câu nói này của anh mà tôi trằn trọc suốt mấy đêm".
Chị trằn trọc là bởi cả hai đều bị nhiễm chất độc da cam. Anh Bình thì liệt tứ chi, luôn phải có người bên cạnh. Rồi khi cưới nhau về thì làm gì để sống…Thế nhưng bao nhiêu lo lắng đó dần tan biến khi chị Yến thấy được sự chân tình, khát khao có được một mái ấm của anh Bình. Dù phải ngồi một chỗ nhưng anh luôn động viên, tâm sự, chia sẻ mọi chuyện với chị. Rồi năm 2004, hai anh chị tổ chức đám cưới. "Đó là đám cưới to nhất xóm này vì hầu hết người trong xóm đều đến chung vui cùng hai vợ chồng"- bà An nhớ lại.
Vươn lên để sống
Để lo cho cuộc sống, chị Yến nhận đồ gia công may ở nhà. Thương chị, cả xóm ai may, sửa quần áo đều mang tới đây. "Mỗi ngày tôi may cũng được 50-60 ngàn đồng. Cộng với tiền trợ cấp chất độc da cam của hai vợ chồng gần 2 triệu đồng thì cuộc sống cũng tạm ổn". Để có thêm tiền chữa trị cho anh, chị vừa may, vừa học nghề làm hoa lụa.
Khi biết mình có thai, chị Yến lo nhiều hơn là vui. Chị lo không biết con mình sinh ra có bình thường như bao đứa trẻ khác không, có bị dị tật như bố mẹ không. Một mình chị có thể chăm cho chồng, lo cho con được không... "Ngày vợ tôi mang thai tôi thương lắm. Yến cứ quần quật làm để có tiền đi siêu âm xem con có bị sao không. Đi siêu âm, rồi đến ngày sinh tôi đều không đi được. Yến tự đi một mình. Thương nhưng tôi chỉ biết động viên, an ủi", anh Bình tâm sự.
Nhớ đến chuyện này, chị Yến đỏ hoe mắt, kể: "Tủi lắm chứ. Thấy các đôi vợ chống khác đi đều bàn bạc, chia sẻ niềm vui với nhau. Còn tôi mỗi lần siêu âm đều lo lắng, hồi hộp chỉ ngồi thu lu một mình".
Gia đình nhỏ của vợ chồng anh Bình, chị Yến.
Năm 2005, chị Yến sinh bé trai và được ông nội đặt tên Ngô Xuân Hoàn. Sinh con xong vừa mừng vừa lo. “Mừng vì người mẹ mang chất độc da cam như mình mà cũng sinh được con. Nhưng sinh được con rồi lại lo tiếp con mình có nói được không, có đi được không. May sao, Hoàn phát triển bình thường, không bị dị tật gì”, chị Yến hồi hộp nhớ lại.
Còn bà Ngô Thị Thúy (người cô) kể tiếp : "Từ lớp 1 đến nay năm nào cu Hoàn cũng là học sinh giỏi tiêu biểu của trường. Năm nay bước vào lớp 6, trường THCS Hưng Chính- Hoàn được bầu làm lớp trưởng".
Xoa đầu con, chị Yến kể: "Ngày trước đi học bàn bè thường trêu Hoàn có bố bị nghẻo, mẹ sứt môi. Những lúc như vậy nó thường chạy về ôm lấy bố. Được bố động viên phải học thật giỏi nên nó cố gắng lắm".
"Nhiều đêm thằng Hoàn tâm sự mong sao bố đi được để đưa hai mẹ con tôi đi chơi Trung Thu, di dạo Tết, rồi về thăm bà ngoại... Biết điều này anh Bình thương con lắm. Hai vợ chồng tôi sẽ cố gắng để đưa nó đi vào những dịp này cho bằng bạn bằng bè"- chị Yến nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét